Căn cứ khoản 9 điều 2 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh số 40/2009/QH12: “Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền là người sở hữu bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm lâu đời do dòng tộc, gia đình truyền lại, điều trị có hiệu quả đối với một hoặc vài bệnh, chứng nhất định được Sở Y tế công nhận sau khi có ý kiến của Hội đông y cấp tỉnh.” Như vậy với các quy định của pháp luật hiện hành, không có căn cứ để cấp giấy chứng nhận người sở hữu bài thuốc gia truyền cho anh (chị) vì giữa anh (chị) và bác hàng xóm không có quan hệ cùng dòng tộc, gia đình.
Căn cứ điều 2 Quy chế xét duyệt cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” kèm theo Quyết định 39/2007/QĐ-BYT ngày 12/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành quy chế xét duyệt cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”: thì Bài thuốc gia truyền được hiểu như sau: “Bài thuốc gia truyền là bài thuốc kinh nghiệm lâu đời của dòng tộc, gia đình truyền lại, có hiệu quả điều trị với một bệnh nhất định, có tiếng ở trong vùng, được nhân dân tín nhiệm, được Hội Đông y và y tế xã/phường/thị trấn sở tại và Sở Y tế công nhận. Những bài thuốc mới được nghiên cứu, sử dụng trong các tài liệu, sách vở hoặc kinh nghiệm của bản thân đều không thuộc phạm vi quy định trong Quy chế này”. Như vậy bài thuốc điều trị bỏng trong trường hợp anh (chị) nêu không được coi là bài thuốc gia truyền do anh (chị) không có quan hệ cùng dòng tộc, gia đình với người truyền bài thuốc.